TopChon xin gợi ý cho mẹ thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng để bé vừa làm quen lại vừa có những bữa ăn ngon miệng nhất.
1. Những nguyên tắc cần biết khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng
Ngày nay thì các mẹ có nhiều phương pháp ăn dặm để lựa chọn cho con như phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp ăn dặm truyền thống, phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW), hoặc kết hợp nhiều hơn một phương pháp.
Tuy nhiên là dù mẹ chọn hay bé ưa thích cách ăn nào hơn, thì mẹ cũng đừng bỏ qua các lưu ý sau khi bắt đầu cho bé ăn dặm:
- Thời điểm ăn dặm phù hợp: theo các khuyến cáo từ bác sĩ Nhi khoa thì thời điểm ăn dặm tốt nhất cho bé là 6 tháng, tương đương với khoảng thời gian hệ tiêu hóa của bé hoàn thiện để tiếp nhận thức ăn khác biệt với sữa mẹ
- Số lượng bữa ăn dặm cho bé 6 tháng: chỉ nên bắt đầu với 1 bữa/ngày, cách sau cữ sữa khoảng 2 tiếng
- Lượng sữa vẫn phải duy trì cho bé đạt 800 – 1000ml sữa/ngày
- Xác định ăn dặm chỉ để làm quen với món ăn: thực đơn đa dạng, đủ chất nhưng không cần ép bé ăn hết
- Rèn luyện thói quen ăn khoa học cho bé: ngồi ghế ăn dặm, độ dài bữa ăn không quá 30 phút, không ăn rong hay dụ dỗ bé mới ăn.
- Không thêm gia vị: để bé cảm nhận mùi vị thức ăn rõ nhất
Bên cạnh đó, mẹ có thể để ý bé có các dấu hiệu sau để sẵn sàng ăn dặm hay chưa:
- Kỹ năng ngồi của bé đang dần hoàn thiện: có thể tự ngồi mà không cần chỗ dựa
- Bé chăm chú quan sát khi người khác ăn, có bé còn bắt chước động tác
- Bé xuất hiện nhu cầu muốn nếm thử thức ăn khác ngoài sữa mẹ
- Hợp tác với mẹ khi đút cho bé ăn bằng thìa
2. Các nhóm dinh dưỡng và chế biến thành món ăn phù hợp cho trẻ 6 tháng
2.1. Tinh bột
Đây là nhóm dinh dưỡng mà trẻ cần làm quen đầu tiên khi bắt đầu hành trình ăn dặm và cũng là nguyên liệu chính cho thực đơn của bé 6 tháng.
Để bé không chán thì mẹ có thể có các lựa chọn món ăn như sau:
- Bột gạo: mẹ có thể tham khảo bột pha sẵn của các hãng như Nestle, Heinz, Hipp… hoặc mẹ tự xay bột
- Ngũ cốc: có nhiều loại ngũ cốc dạng bột cho mẹ lựa chọn phù hợp với tháng tuổi của con
- Yến mạch: yến mạch là một dạng tinh bột tốt, và khi có dạng nghiền thành bột để mẹ sáng tạo các món bánh hoặc đậu hũ yến mạch cho trẻ
- Cháo rây: món ăn của những ngày đầu trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật. Với trẻ 6 tháng, nên bắt đầu với cháo tỷ lệ 1:10, nghiền mịn
2.2. Chất béo:
Việc bổ sung chất béo vào bữa ăn của bé là cần thiết, bởi rất nhiều vitamin tan trong dầu, hỗ trợ hấp thụ các chất khác tốt hơn.
Mẹ nên tìm mua các loại dầu Gấc, dầu Oliu hay dầu Óc chó – đều là những loại có nguồn gốc thực vật – phù hợp khi dùng cho bé 6 tháng.
2.3. Rau củ:
Sau những ngày đầu làm quen với tinh bột, bé sẽ được nếm vị của các loại rau củ.
- Phương pháp ăn dặm BLW: rau củ được hấp mềm, cắt vừa phải cho bé cầm nắm.
- Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật: rau củ hầm thành nước dashi, hoặc hấp chín, nghiền nhuyễn, trộn với nước thành dạng sền sệt cho bé
- Phương pháp ăn dặm truyền thống: rau củ được xay nhuyễn rồi trộn trực tiếp cùng bột hoặc cháo, nấu nhừ.
Với bé 6 tháng, những rau củ bé có thể ăn được là cà rốt, củ cải, bí đỏ. Rau lá xanh thì có thể bắt đầu với súp lơ cho mềm và ít xơ.
Mẹ chú ý lựa chọn các loại rau theo mùa, rau nhà tự trồng được để bé không bị ảnh hưởng.
2.4. Hoa quả:
Bé ăn hoa quả có thể kèm theo bữa chính hoặc bố trí một bữa phụ riêng.
Hãy bắt đầu với những loại quả ngọt như chuối, đu đủ, xoài; có thể cắt miếng vừa phải để bé tự tập cầm ăn.
Hoặc với bé chưa cầm được thì mẹ ép thành nước (cam, táo, lê), bổ sung cho bé lượng ít để con quen với hương vị.
Hoa quả và rau củ là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tự nhiên nên lựa chọn hàng sạch, tươi, độ chín vừa phải cho bé.
2.5. Chất đạm:
Thường với phương pháp ăn dặm truyền thống thì bé có thể ăn đạm ngay từ những bữa đầu tiên, nhưng nếu bạn muốn bé phân biệt mùi vị của từng loại thực phẩm thì có thể trì hoãn đến cuối tháng thứ 6 mới bắt đầu giới thiệu đạm cho bé.
Đạm phù hợp với tháng tuổi này là đạm động vật từ thịt lợn và thịt gà. Ngoài phương pháp BLW thái thanh nhỏ, hầm mềm thì các phương pháp khác, thịt nên được xay nhỏ để bé có thể ăn được.
3. Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng
3.1. Cháo cà rốt:
Cách làm này áp dụng cho nhiều loại củ quả đã được gợi ý phía trên cho bé 6 tháng
- Nguyên liệu: cà rốt thái nhỏ, hấp hoặc luộc chín
- Cách làm: nghiền mịn hoặc rây nhỏ, trộn với nước luộc đến độ bé ăn được
- Thành phẩm:
- Nếu bé ăn dặm kiểu Nhật: mẹ để riêng, giới thiệu lần lượt với bé vào khoảng ngày thứ 3 – thứ 5
- Nếu bé ăn dặm truyền thống: khuấy đều cùng bột, cà rốt tạo vị ngọt tự nhiên và màu cam hấp dẫn
3.2. Bơ dầm sữa
- Nguyên liệu:
- Bơ sáp: 1 miếng nhỏ, chín vừa tầm
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Cách làm:
- Nghiền nhuyễn bơ, loại bỏ các phần xơ (nếu có)
- Trộn đều cùng sữa mẹ hoặc sữa công thức pha sẵn
- Có thể hấp lên hoặc không
- Thành phẩm
- Chén bơ mịn màng, có màu xanh óng ánh và vị thơm của sữa
- Độ đặc vừa phải cho bé nhai nuốt được
- Sử dụng vào bữa phụ cho bé, bổ sung chất béo tự nhiên
3.3. Đậu hũ non yến mạch
Món ăn “thần thánh” được các mẹ truyền tai nhau là bé vô cùng thích thú.
- Chuẩn bị:
- Yến mạch
- Nước
- Khuôn đổ
- Hoa quả làm sốt ăn kèm
- Cách làm:
- Yến mạch ngâm ít nhất 1 – 2 tiếng, có thể ngâm qua đêm, thay nước để không bị chua
- Cho yến mạch đã ngâm vào cối xay với ít nước
- Lọc bỏ bã, cho lên đun, khuấy đều đến khi sánh lại
- Để nguội rồi đổ nước yến mạch vào các khuôn tạo hình
- Cho vào ngăn mát khoảng 3 tiếng là có đậu hũ non yến mạch
- Làm sốt ăn kèm bằng hoa quả xay nhuyễn, có thể trộn thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức pha sẵn
- Thành phẩm:
- Miếng đậu hũ trắng, mềm, có vị ngọt nhẹ khi ăn kèm sốt
- Bé dễ dàng ngậm trong miệng, tan ra ngay lập tức
- Món ăn này có thể dùng đổi bữa trong các dịp bé chán ăn
3.4. Cháo thịt bằm bí đỏ
Đến cuối tháng 6, khi các mẹ bắt đầu giới thiệu đạm cho con, có thể bắt đầu với món ăn này.
- Chuẩn bị:
- Thịt bằm thật nhỏ, nếu bé chưa nhai nuốt tốt có thể ninh nhừ trước
- Gạo hoặc bột để nấu
- Bí đỏ hấp chín, nghiền nhuyễn
- Cách làm:
- Nếu mẹ có nồi nấu cháo thì chỉ cần cho nguyên liệu thô vào, thêm nước, chọn chế độ nấu cháo chậm
- Còn nếu không mẹ cần sơ chế thực phẩm thành dạng nhỏ – mềm – mịn rồi khuấy đều đến khi sôi trở lại
- Bổ sung thêm 1 thìa chất béo ngay sau khi tắt bếp
- Thành phẩm:
- Cháo sánh mịn, có màu vàng của bí đỏ, mùi thơm nhẹ nhàng
- Có thể thêm chút hành lá thái nhỏ để bé làm quen rau gia vị
Vậy là chỉ cần nắm rõ các kiến thức cơ bản, mẹ có thể tự lên thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng nhà mình, hoặc sáng tạo ra những món ăn vừa ngon vừa hấp dẫn bé.
Chúc mẹ và bé có một khởi đầu suôn sẻ với hành trình ăn dặm này.
Đánh giá bài viết